Tráng miệng

Chè trôi nước món tráng miệng đậu đỏ trà xanh

Chè trôi nước hay bánh trôi – bánh chay trong thơ Hồ Xuân Hương là hai món ăn gần nhau về cách chế biến lẫn tên gọi, nhưng mỗi món lại mang ý nghĩa khác nhau. Nếu như bánh trôi dùng để cúng ông bà trong Tết Hàn thực để tưởng nhớ tổ tiên, thì chè trôi nước lại được nấu vào ngày Đông chí như một biểu tượng của sự đoàn viên. Nhưng dù tin theo câu chuyện nào, thì món chè trôi nước vẫn cứ là món khoái khẩu mà đến chợ nào cũng tìm được. Bởi vậy, biến tấu với món chè này lại rất khó, vì hương vị của món này đã nằm sâu trong ký ức của người thưởng thức. Tuy nhiên, đầu bếp Ngọc Nghĩa dự thi Chiếc Thìa Vàng 2013 đã biến tấu mới mẻ và lạ miệng: chè đậu đỏ trà xanh. Đúng ra phải gọi là “chè trôi nước đậu đỏ trà xanh” mới phải, vừa ngon lại vừa có tác dụng giúp… thi đậu với điểm đỏ chói. Và quả thật là vậy, cô ấy đã đậu Á quân.

Chè trôi nước món tráng miệng đậu đỏ trà xanh

In cái này
Phục vụ cho: 10 PHẦN Thời gian chuẩn b: Cooking Time:

Thành phần

  • Đậu đỏ: 150g
  • Bột nếp: 400g
  • Bột trà xanh: 10g
  • Đường phèn: 300g
  • Đường cát: 10g
  • Gừng: 50g
  • Nước lã: 4 lít
  • Mè trắng rang: 50g
  • Lá trà xanh tươi: 10g
  • Muối: 5g
  • Nước cốt dừa: 100ml

Hướng dẫn (chuẩn bị món ăn)

CÁCH LÀM

Sơ chế: Đậu đỏ vo sạch ngâm nở 8-10 tiếng hoặc ngâm qua đêm. Lá trà xanh rửa sạch để ráo nước. Gừng rửa sạch đem nướng chín.

Làm nhân: Đậu đỏ sau khi ngâm nở, xả nước và vo sạch lại, cho vào nồi đổ nước ngập đậu, cho 4g muối vào bắc lên bếp nấu chín, sau khi đậu chín mềm vớt ra để nguội, rồi dùng 1 cái rổ hoặc rây cà nhuyễn đậu bỏ phần vỏ đi. Đậu cà vỏ xong cho vào chảo không dính rồi cho vào tiếp nước cốt dừa có pha 1g muối, 10g đường cát, đảo liên tục và đều tay với lửa nhỏ cho đến khi đậu dẻo ráo nước là được. Chia bột thành từng viên nhỏ vừa ăn.

Nấu nước đường: Đường phèn cho vào 1,5 lít nước lã bắc lên bếp nấu tan, rồi bỏ gừng vào nấu sôi khoảng 15-20 phút với lửa nhỏ cho đường cô lại sau đó cho lá trà xanh vào nấu thêm 5 phút để trà ra mùi thơm và màu vàng nhạt, lược lại bỏ xác trà đi. Vẫn để nước đường trên bếp với lửa nhỏ.

Trộn bột: Bột nếp trút ra tô trộn đều với bột trà xanh rồi chế từ từ 300ml nước lã vào nhồi cho nước quyện vào bột thành khối bột dẻo mịn không quá khô hay quá nhão. Để bột nghỉ 10 phút cho bột nở đều. Cho phần nước lã còn lại khoảng 1,2 lít vào nồi, nấu sôi.

Nấu chè: Bột sau khi để nghỉ lấy 1 viên bột có kích thước gấp đôi viên nhân, ấn dẹt ra, đặt viên nhân vào giữa bột gói lại, vo cho tròn đều, rồi thả vào nồi nước sôi luộc cho đến khi viên bột nổi lên và bột trong lại là bột đã chín. Vớt ra cho vào nồi nước đường, nấu thêm 5 phút cho viên chè thấm đường là được.

TRÌNH BÀY

Chè múc ra chén, rắc mè rang lên ăn nóng.

YÊU CẦU THÀNH PHẨM

Chè có vị ngọt thanh nhẹ thơm mùi gừng nướng, hơi chát của lá trà, bột nếp dẻo mịn, nhân béo bùi không bị xảm, viên chè tròn đều..

MÁCH NHỎ

Đậu khi nấu chín phải cà qua rây, khi ăn mới không bị xảm vỏ.

Khi nấu nước đường phải nấu lửa nhỏ cho nước đường sánh lại, cho lá trà xanh vào khoảng 5 phút vớt bỏ xác đi, cho nước đường không bị chát nhiều.

Khi nhồi bột phải cho nước vào từ từ nếu thấy bột khô quá thì thêm nước.

Tùy vào loại bột hút nước nhiều hay ít mà gia giảm lượng nước khi nhồi bột.

Có thể ngâm đậu đỏ với bột sô đa hoặc nước tro tàu để đậu nhanh mềm hơn.

MÓN ĂN NÀY CÓ TÁC DỤNG

Có ích cho những người bị suy nhược cơ thể, rối loạn bài tiết mồ hôi, viêm loét dạ dày – hành tá tràng, tiêu chảy do tỳ vị hư nhược, hay đi tiểu đêm, rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, phụ nữ có thai bị buồn nôn, người bị phù thũng, ho có nhiều đàm trong, loãng… Lưu ý: Trẻ nhỏ, trẻ đang bệnh, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược, người có thể trạng nhiệt hoặc có đàm nhiệt, người đang có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng, thì không nên dùng.

BẢNG KẾT QUẢ THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG

You Might Also Like

No Comments

    Leave a Reply

    Top